Làm du lịch ven hồ Trị An cần sắp xếp lại

Chuyện 24h Thứ 3, 18/04/2023 12:51:31 PM Theo Thanh Huy (SGGP)

Trong những ngày qua, lực lượng chức năng xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang quyết liệt cưỡng chế công trình xây dựng trái phép tại các điểm du lịch tự phát ven lòng hồ Trị An. Các hộ kinh doanh du lịch tại đây thì gửi đơn kêu cứu khắp nơi và thực tế cho thấy, ngành chức năng cần sắp xếp lại để phát huy được tiềm năng vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Phá dỡ các công trình xây dựng trái phép

Những ngày qua, các điểm du lịch MiMi Camping, Gạo farm, Suri Campin (thuộc ấp 3 xã Mã Đà) với nhiều nhà chòi, lều trại, nhà nghỉ, bếp ăn xây dựng trái phép trên đất rừng trồng đều bị lực lượng chức năng cưỡng chế hoặc người dân tự tháo dỡ.

Làm du lịch ven hồ Trị An cần sắp xếp lại  ảnh 1

Một điểm du lịch tự phát ven hồ Trị An

Theo số liệu, tại xã Mã Đà, khu vực tiếp giáp với lòng hồ Trị An có hơn 30 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng ven lòng hồ. Điều đáng nói có hơn 90% các điểm kinh doanh du lịch tại khu vực này hoạt động tự phát, không được cấp phép. Trung bình mỗi điểm du lịch sinh thái thu hút từ 30 đến 200 khách mỗi tuần, phần lớn du khách đến từ vùng lân cận như TPHCM, Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, nhu cầu người dân đến với du lịch sinh thái vườn, ven lòng hồ Trị An ngày càng nhiều nên địa phương không thể cản được. Trong số trên 30 điểm kinh doanh du lịch sinh thái ven lòng hồ, lực lượng chức năng đã cưỡng chế khoảng 15 điểm, các điểm còn lại đang tiếp tục cưỡng chế.

Làm du lịch ven hồ Trị An cần sắp xếp lại  ảnh 2

Một điểm du lịch tự phát bị tháo dỡ

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ đầu tư khu du lịch MiMi Camping lo lắng về căn nhà mây tre lá làm nơi trú ngụ của gia đình bà trong thời gian qua đã được thông báo sẽ bị phá bỏ trong nay mai, chưa biết sẽ ở đâu để làm du lịch. Còn ông Nguyễn Viết Thăng cho biết, gia đình đã đầu tư điểm du lịch này hơn 1ha vườn xoài, dựng nhà mái lá làm nơi ở và dựng lên một số lều bạt cho du khách đến tham quan nghỉ lại qua đêm. 

Du lịch sinh thái mang lại nguồn thu cho người dân

Ông Thăng cho biết, 1ha xoài trước đây ông thu về 30 triệu đồng/năm, bình quân bán từ 5 đến 7.000 đồng/kg, hiện có thêm hoạt động du lịch, xoài được du khách đến tham quan rồi mua về giá từ 15 đến 20.000 đồng/kg. Ông Thăng còn thu nhập thêm các khoản nuôi gà thả vườn phục vụ cho du khách có nhu cầu thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương. Du khách được chủ đầu tư du lịch và cán bộ kiểm lâm hướng dẫn tham quan rừng và vườn xoài bằng xe máy cày, loại hình giải trí rất được du khách thích thú. “Từ hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái đã cho gia đình tôi nguồn thu nhập tăng lên gấp 7 đến 10 lần so với thu nhập đơn thuần từ vườn xoài trước đó”, ông Thăng chia sẻ.

Làm du lịch ven hồ Trị An cần sắp xếp lại  ảnh 3

Nhiều hộ làm du lịch tự phát không biết đi về đâu sau khi bị cưỡng chế

Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Thăng trình bày: “Do thiếu hiểu biết về pháp luật, các quy định về đất đai và hoạt động du lịch nên chúng tôi buộc phải tháo dỡ các công trình xây dựng, lều bạt cư trú. Hiện tại gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nay chúng tôi xin được chính quyền các cấp chỉ đạo, tạo điều kiện hướng dẫn cho chúng tôi tiếp tục phát triển mô hình du lịch này”. Còn tại điểm du lịch vườn xoài ven hồ Trị An “Angel Village” của ông Nguyễn Văn Tiến, ngoài nguồn lợi kinh tế từ hoạt động du lịch, ông đã tạo ra công việc làm cho gần 20 người dân địa phương. Ông Tiến lo lắng: “Mỗi tháng tôi chi trả khoảng 150 triệu tiền công lao động cho các người dân địa phương. Dưới tán rừng, tôi tạo ra việc làm, không vi phạm môi trường sinh thái rừng, tạo ra việc làm cho người dân”.

Ông Lê Viết Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt, đơn vị chủ rừng là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phải có đề án phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều luật lâm nghiệp, thì cho phép phát triển du lịch sinh thái. Trong đó có phát triển loại hình du lịch sinh thái và tùy theo từng khu vực mà đưa vào đề án hoạt động du lịch, hướng dẫn cho người dân làm đúng theo quy định pháp luật. Ông Lê Viết Dũng đề nghị, lập ngay tổ công tác nghiên cứu về mô hình kinh doanh du lịch của người dân, vì họ cũng có ý tưởng làm du lịch rất hay. “Mô hình du lịch nào hay thì cho phát triển, những gì chưa hay thì cần có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng cho người dân thực hiện. Khi người dân phát triển được loại hình du lịch sinh thái này thì họ đã tạo ra được giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất điều và xoài”, ông Dũng nhận định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai, hồ Trị An là điểm du lịch cấp quốc gia, UBND tỉnh đã giao Khu bảo tồn xây dựng đề án du lịch sinh thái, trong đó có hồ Trị An. Hiện Khu bảo tồn đã trình cơ quan chức năng thẩm định và sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện đề án; nếu các nhà đầu tư và người dân muốn làm du lịch sinh thái phải lập hồ sơ dự án và được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ý kiến bạn đọc