Người đàn ông Việt mang vài kg thịt sang Triều Tiên cưới vợ

Gia đình Thứ 3, 19/02/2019 15:25:47 PM Theo Ngôi sao

Được chấp nhận kết hôn khi tuổi đã ngoài 50, ông Cảnh và bà Ri không nói gì với nhau trong tiệc cưới, vì sợ chỉ sơ sẩy là bị hủy hôn.

Ông Phạm Ngọc Cảnh (hiện 69 tuổi, người Hà Nội) và bà Ri Yong Hui (hiện 70 tuổi, người Triều Tiên) có cuộc gặp định mệnh năm 1971 tại một phòng thí nghiệm khi ông Cảnh đang du học tại Triều Tiên. Kể từ lần chạm mặt đầu tiên, ông bà biết rằng đã gặp được một nửa của cuộc đời mình. Mối tình bí mật của uyên ương tiếp diễn trong vòng chưa tới 2 năm nhưng phải đến 31 năm sau, họ mới được nên duyên vợ chồng. Vượt qua rào cản là luật cấm công dân kết hôn với người nước ngoài của Triều Tiên, thời gian, ngôn ngữ, ông Đặng Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui đã có một "đám cưới" đặc biệt.  

Ông Phạm Ngọc Cảnh lật giở những tấm ảnh cưới trong cuốn album cũ.

Ông Phạm Ngọc Cảnh lật giở những tấm ảnh cưới trong cuốn album cũ.

Hành trang sang Triều Tiên cưới vợ là vài bộ quần áo, vài kg thịt và nhẫn cưới 

Ngày 14/8/2002, khi nhận được Phê chuẩn kết hôn của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên, ông Phạm Ngọc Cảnh bắt đầu chuẩn bị "hành trang lên đường cưới vợ". Trong căn nhà tập thể mang dáng vẻ xưa cũ, người đàn ông ở tuổi xế hồi tưởng: "Trong chuyến đi sang quê vợ, tôi chỉ đi một mình, không có người thân theo cùng vì thủ tục sang Triều Tiên khá phức tạp, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ".

Đến ngày 1/10/2002, ông bắt chuyến tàu hỏa từ Hà Nội sang Triều Tiên. Ông chuẩn bị sẵn trong hành lý bộ suit chú rể chỉnh tề, trang trọng, đồ cô dâu cũng là một bộ suit cưới, một đôi giày và cặp nhẫn cưới bằng vàng. Sau 2 ngày đường, ông quá cảnh ở Bắc Kinh. Do biết đời sống của Triều Tiên còn khó khăn nên khi dừng ở Trung Quốc, ông Cảnh mua thêm ít thịt lợn, thịt bò, mỗi món từ 3-4 kg để gửi tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng. Do có hộ chiếu công vụ nên hành trình Hà Nội - Bắc Kinh - Bình Nhưỡng của ông đều diễn ra thuận lợi.

Tối thứ Bảy, ngày 4/10/2002, ông đặt chân lên mảnh đất Triều Tiên - nơi có "một nửa" mà ông vẫn hằng nhớ mong. Tối đó, theo lời của Đại sứ quán Việt Nam, ông sẽ được dẫn sang Bộ ngoại giao Triều Tiên vào sáng thứ Hai tuần kế tiếp để làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết. Đại sứ Đỗ Thị Hòa sau khi hỗ trợ ông Cảnh hoàn thành hồ sơ, thủ tục, còn đề nghị Bộ lãnh sự Triều Tiên tạo điều kiện cho ông sớm được gặp đối phương "bởi họ đã chờ đợi nhau quá lâu". Đáp lại mong muốn này, phía Triều Tiên cho biết sẽ đưa cô dâu Ri Yong Hui từ thành phố Hàm Hưng đến thủ đô Bình Nhưỡng để gặp ông Cảnh. Tuy vậy, không phải ngay lập tức, ông bà có thể gặp nhau. Bà Ri Yong Hui mất thêm 15 ngày để hoàn thiện giấy tờ tại địa phương và khoảng vài tiếng để đi hết quãng đường 300 km từ Hàm Hưng tới Bình Nhưỡng.

Dù chỉ gặp mặt thêm đôi ba lần vào năm 1978 (khi ông Cảnh được cử sang Triều Tiên học) và bẵng đi 10 năm không hề thư từ qua lại, ông bà vẫn dễ dàng nhận ra đối phương khi hội ngộ vì "đó là người mình yêu mà". Nhưng cuộc gặp này thay vì sự mừng rỡ, hân hoan mà thay bằng một câu của chú rể: "Chúng mình vất vả quá nhỉ". Vợ ông chỉ im lặng gật đầu mà nước mắt tuôn rơi. Theo ông Cảnh, câu nói này thường được người dân Triều Tiên dùng trong tình huống khó khăn và lại đúng với chuyện tình của ông bà. Ngoài câu nói đó, ông không dám hàn huyên gì với vợ sắp cưới bởi ông biết người Triều Tiên chú trọng ngôn từ, ông sợ chỉ vì một phút sơ sẩy mà không thể "đem nàng về dinh". Với tính cách khép kín, ít nói, cô dâu cũng không hỏi chồng điều gì mà gửi trọn niềm tin ở đối phương. "Chủ trương của tôi là không nói năng gì. Chỉ khi ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên mới nói chuyện. Kể cả khi đã ra khỏi nước này mà toa tàu tới Bắc Kinh vẫn do Triều Tiên quản lý, tôi cũng không nói điều gì", ông tiết lộ. 

Chú rể Phạm Ngọc Cảnh và cô dâu Ri Yong Hui nhận được quà cưới tại đám cưới ở Triều Tiên là chú gấu bông do bà Đại sứ Việt Nam Đỗ Thị Hòa tặng.

Chú rể Phạm Ngọc Cảnh và cô dâu Ri Yong Hui nhận được quà cưới tại đám cưới ở Triều Tiên là chú gấu bông do bà Đại sứ Việt Nam Đỗ Thị Hòa tặng.

Hai ngày sau (20/10/2002) là lúc hôn lễ của ông Cảnh và bà Yong Hui diễn ra tại Bình Nhưỡng. Cô dâu Ri Yong Hui, khi ấy đã 55 tuổi, được làm tóc, mua váy hanbok truyền thống. Những thứ này do phía Triều Tiên lo, còn các chi tiết khác của hôn sự được Đại sứ quán Việt Nam đảm nhiệm và diễn ra ngay tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Bình Nhưỡng.

"Các món ăn trong hôn lễ là món Việt Nam được chính Đại sứ và các nhân viên thực hiện. Họ dùng những thực phẩm mà tôi mang sang để chế biến món mặn. Nói là đám cưới nhưng hôn lễ ở Triều Tiên của chúng tôi giống như một buổi gặp mặt ăn cơm bình thường, không có trang trí gì nhiều", ông Cảnh nhớ lại.

Do chỉ là áng chừng nên vest cưới mà ông Cảnh dành tặng cho cô dâu bị rộng và được bà Yong Hui cất giữ làm kỷ niệm. Vì người Triều Tiên không có tập tục lễ bái tổ tiên trong đám cưới nên ông bà chỉ đơn thuần chụp ảnh với khách mời, chúc rượu và mời khách nhập tiệc. Đám cưới của uyên ương cũng được lược bớt cặp gà trống - mái, một chi tiết thường xuất hiện trong hôn lễ truyền thống của người Triều Tiên. Khách mời của ông bà trong hôn lễ ngày ấy là một người cháu gái của cô dâu Yong Hui, các thành viên ở Đại sứ quán Việt Nam, 3 người thuộc Bộ ngoại giao Triều Tiên, 2 người ở Thường vụ Quốc hội Triều Tiên và 2 người ở Hội hữu nghị Triều - Việt. Bộ ảnh cưới được chụp từ máy ảnh do chính chú rể đem từ Việt Nam sang và nhờ thành viên trong Đại sứ quán chụp hộ. 

Sau lễ cưới, uyên ương chờ thêm 3 ngày để phía Triều Tiên và Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ các thủ tục visa, hộ chiếu cho cô dâu sang Việt Nam. 

Hôn lễ ở Việt Nam được lược bỏ các nghi thức ăn hỏi, lễ lạt

Khi về đến Hà Nội, uyên ương đi đến Sở Tư pháp thành phố làm hôn thú và chờ khoảng 15 ngày để nhận giấy chứng nhận kết hôn. Do đã chờ đợi nhau quá lâu nên cặp vợ chồng chỉ tổ chức tiệc cưới đơn giản ở Hà Nội, lược bỏ các thủ tục ăn hỏi, lễ vu quy, thành hôn. Đồng thời, uyên ương nhận được lời đề nghị từ giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội - ông Hoàng Vĩnh Giang, vị sếp đồng thời là bạn thân thiết của chú rể về việc tài trợ toàn bộ cho tiệc cưới. "Chúng tôi chỉ phải đi đến tiệc cưới, còn mọi thứ đã được lo liệu chu đáo, từ kinh phí địa điểm", ông Cảnh tiết lộ.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (vest nâu) là chủ hôn trong đám cưới tại Hà Nội của chú rể Phạm Ngọc Cảnh - cô dâu Lý Vĩnh Hỷ (tên tiếng Việt của bà Ri Yong Hui). 

Ông Hoàng Vĩnh Giang (vest nâu) là chủ hôn trong đám cưới tại Hà Nội của chú rể Phạm Ngọc Cảnh - cô dâu Lý Vĩnh Hỷ (tên tiếng Việt của bà Ri Yong Hui). 

Trong dịp hỷ sự ngày 13/12/2002 tại Hà Nội, uyên ương mời khoảng 800 vị khách gồm người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chú rể và những người trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Hà Nội. Mặc dù người thân ở Triều Tiên không thể tới tham dự đám cưới nhưng cô dâu Ri Yong Hui không lấy làm quá buồn bởi "sang được tới đây là đã vui lắm rồi". Đám cưới tiếp tục được lược các nghi thức cắt bánh, rót rượu mà thay vào đó là đôi lời phát biểu của bố chú rể và màn chúc rượu từ khách mời. Thực đơn cưới có các món ăn truyền thống của Việt Nam như canh bóng, nộm đu đủ và tôm sú...

Lấy nhau ở tuổi đã xế chiều, vì vậy ông bà không thể có với nhau một mụn con. Đó là điều ông Cảnh cảm thấy tiếc nuối trong cuộc tình duy nhất của đời mình. Tuy nhiên, ông vẫn thầm cảm ơn cuộc đời vì đã để ông bà được đến với nhau và theo ông đó mới là điều quan trọng.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông hy vọng cuộc hội đàm sẽ diễn ra thành công, giải tỏa các cấm vận, giúp việc làm ăn kinh tế trở nên tốt đẹp và người dân hai đất nước được tự do, hạnh phúc. 

Ý kiến bạn đọc