Hậu trường Thứ 4, 12/09/2018 20:02:50 PM Phạm Tuấn
Số phận của con người – thực thể sống phức tạp cùng với muôn điều kỳ tuyệt của tình yêu khi hòa quyện hoàn toàn có thể đem đến những câu chuyện lòng day dứt và bức tranh nghệ thuật vẽ bằng cảm xúc choáng ngợp đến nghẹn ngào. Trong đó, điện ảnh tự bao giờ đã là chất liệu nghệ thuật quý giá cho chính những người đang vắt nghẹn con tim để kể về những đam mê và hoài niệm khôn nguôi của đời mình.
Song Lang tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Leon Quang Lê được chính tác giả vun vén tạo nên bằng những kỉ niệm, tình yêu quê hương, cái “say” trong nghệ thuật và niềm khát khao được sống với những xúc cảm chân thật của một người nghệ sỹ. Không khó để thấu hiểu và nhận ra những góc hình tự sự, khuôn mặt chất chứa tâm tình của những nhân vật nhuốm màu bàng bạc của một miền ký ức được anh tái hiện tài tình trong “Song Lang”. Bởi chính anh cũng tự nhận mình vốn đã là một người nghệ sỹ, đã hiểu cảm giác như tằm rút ruột nhả tơ, đã thấm cái rùng mình để cháy hết lửa trên sân khấu và đã chết lặng khi cảm thấy còn quá nhiều điều mình cần phải làm cho nghệ thuật. Với một nghệ sỹ đã thành danh trên sân khấu quốc tế Broadway (Mỹ) như anh, việc kết hợp kinh nghiệm sân khấu cùng dệt nên những cảm xúc bằng ngôn ngữ điện ảnh chắc chắn lại là một thách thức tài năng khác mà anh muốn dấn thân.
Mang đến mảng màu khác biệt ngay cả trong vũ trụ điện ảnh Việt Nam nói chung lẫn dòng phim nghệ thuật nói riêng, đã từ rất lâu khán giả, nhất là những khán giả thuộc thế hệ 7X, đầu 8X vẫn mong đợi một điều gì đó thật thuần Việt, dung dị và gần gũi trong dòng phim vốn được gắn mác “kén khán giả”. Cực kỳ kĩ lưỡng và chi tiết trong từng câu thoại, khung hình và góc máy thế nên “những toan tính, định kiến” được khán giả mặc định trước đó khi xem phim cứ nhè nhẹ trôi qua. Hãy cứ trôi đi vì đây sẽ là cuộc thôi miên vào miền ký ức của những mảnh đời rất thực giữa cái thời hoàng kim của cải lương Nam bộ. Bài viết này cũng không nhằm đi quá sâu phân tích mang tính học thuật, mà chỉ muốn đề cao vấn đề cảm xúc, chất xúc tác khai mở trái tim của khán giả trở về một thời cùng khóc cùng cười, cùng đau qua những cảnh quay hết sức dịu dàng, mực thước để cải lương ẩn hiện duyên dáng, đầy tinh tế trong suốt bộ phim.
Được chính đạo diễn Leon Quang Lê và nhà văn- biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chắp bút kịch bản, không đặt mục tiêu tuyên truyền bảo tồn nghệ thuật cải lương truyền thống, cũng chẳng phải thể loại đam mỹ “trần trụi” thịnh hành ngày nay, bộ phim chỉ là câu chuyện về cái đẹp và giá trị gắn kết trái tim bằng nghệ thuật được đặt trong bối cảnh hưng thịnh nhất của nó.
Song Lang gắn chặt với cuộc hội ngộ “định mệnh” giữa Dũng "Thiên lôi" (Liên Bỉnh Phát) và anh kép chính chưa một lần yêu Linh Phụng (Isaac). Bối cảnh của thập niên 80 được đạo diễn và ê kíp dày công phục dựng để rồi Dũng Thiên Lôi cứ thế lầm lũi dắt khán giả vào một thời để nhớ. Tên giang hồ - kẻ đã trải thân luân lạc giữa phong trần, “trong cuộc đời giả trá bạc đen” bỗng chốc tìm lại nhịp sống cho trái tim và tâm hồn bị giam cầm khi gặp người bạn tri âm. Tất cả là nhờ nghệ thuật, nhờ vào kỷ vật song loan (hay song lang). Đạo diễn Leon Quang Lê cũng từng thừa nhận, anh xem “cải lương” là nhân vật quan trọng thứ 3 trong bộ phim này. Nhân vật này chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để kẻ giang hồ và người nghệ sỹ ngồi lại với nhau, nương nhau, dìu nhau như những nghệ sỹ trên sân khấu.
Dũng Thiên Lôi, Linh Phụng và cải lương cứ thế mà hiện lên qua kỹ thuật điện ảnh chuyên nghiệp, sự am hiểu nghệ thuật và khả năng tiết chế, không tham để lên gân cho ra nét ra hình phim nghệ thuật, cũng không dễ dãi để thành phim thị trường nhợt nhạt. Từ chi tiết nhỏ trong cách sắp đặt bối cảnh, sự tác động tưởng chừng ngẫu nhiên vào thính giác hay màu sắc hoài cổ day dứt đến cái chất lãng mạn đầy chất thơ, tình hơn cả tình yêu ấy càng khẳng định sự tinh tế của người làm phim. Phim xưa không nhất thiết phải cũ, phim cải lương không nhất thiết phải sến, phim nghệ thuật không cần phải quá cao siêu. Các khán giả trung niên hay như bản thân người viết đều như bị thôi miên vào không gian ký ức rồi giật mình bừng tỉnh, tự hỏi “Ký ức tuổi thơ tôi chân thực đến như vậy sao?”.
Có thể thế hệ trẻ những bạn ở thế hệ 9X sẽ khó có thể hiểu được cảm giác sống dậy của ký ức về “Sài Gòn thập niên 80” nhưng với những người ít nhiều đã sống, đã trải qua thì chỉ nhiêu đó thôi cũng là tuyệt vời. Cả một trời thương nhớ của Sài Gòn xưa ùa về, tối giản nhưng đẹp mãn nhãn. Dưới ánh sáng mờ ảo đầy hoài niệm, những kỷ vật, góc phố và con người xưa tinh tế làm tròn nhiệm vụ của mình. Kể cả cải lương lẫn những tình cảm tri ân, tình tri kỷ hay những sợi tơ tình chớm nở rồi sớm đứt đoạn đều được đạo diễn kiêm tác giả kịch bản kể bằng một tư duy điện ảnh khác biệt, vừa chân thật, thanh ngọt nhưng đầy ẩn ý và kín đáo như chính tình cảm của đôi nam chính. Dẫu rằng hơi chút đáng tiếc khi phim vẫn còn thiếu những nốt thăng để người xem đồng cảm sâu hơn với nhân vật hay đó cũng chính là chủ ý của người làm phim là giữ đúng mạch trôi thật nhẹ của một câu chuyện đời nhưng chúng ta vẫn thấy vui và an ủi khi mà nền điện ảnh Việt Nam đã có thêm một những thước phim chỉn chu và đầy chất nghệ thuật.
Suy cho cùng Sài gòn xưa ở thế kỉ trước hay thành phố Hồ Chí Minh ở thế kỷ 21 đều cần những hơi thở nghệ thuật để cân bằng, cũng cần những tiếng rung của song lang gọi mời, giữ nhịp, để những con người văn minh biết cư xử bằng tấm chân tình với quà tặng vô giá của nghệ thuật mà người nghệ sỹ đã và đang lặng thầm cống hiến. Song Lang quả thực là món quà tinh thần chỉ dành tặng cho những tâm hồn đồng điệu.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất