Thời trang Chủ nhật, 19/12/2021 18:27:09 PM Theo Lao động
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã rơi vào cảnh lụn bại do không còn khách hàng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đây lại không phải là điều mà ngành kinh doanh quần áo cũ gặp phải.
Một cửa hàng bán xa xỉ phẩm cũ tại Mỹ. Nguồn: AFP
Đồ cũ hút khách khắp nơi trên thế giới
Một động lực khổng lồ đang tái định hình văn hóa tiêu dùng, gây ra tác động lớn tới ngành thời trang toàn cầu và điều thú vị là nó tới từ các loại quần áo cũ, còn được gọi là đồ “second hand”. Từ Anh, Mỹ, tới Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới, rất nhiều người đang chuộng quần áo cũ hơn quần áo mới.
Cụ thể, trên trang eBay, hoạt động mua bán đồ đã qua sử dụng, nhất là quần áo cũ, ở Anh đã tăng vọt trong năm qua. Trong 2020, công ty đã bán hơn 60 triệu món đồ cũ. Murray Lambell, Tổng giám đốc đơn vị kinh doanh của eBay ở Anh cho biết: “Chắc chắn đã có sự thay đổi trong tư duy của người tiêu dùng, được thúc đẩy bởi những người trẻ dưới 30 tuổi."
Trong khi người trẻ có gu thời trang đã mua bán quần áo qua sử dụng trên nhiều trang như Depop và Vinted suốt vài năm qua, các nhóm lớn tuổi cũng đang dần rời khỏi các cửa hàng đồ cũ truyền thống để lên giao dịch trên mạng, hoặc tại các điểm bán đồ cũ của những thương hiệu lớn.
Ví dụ như tại trang web bán đồ thời trang Asos, doanh số bán hàng cũ tăng tới 92%. Nền tảng bán đồ cũ Vinted, hiện có 37 triệu người dùng trên toàn cầu, gồm 1,2 triệu người ở Anh, nói rằng đã chứng kiến lượng quần áo cũ được rao bán tăng từ 16-17% tại thị trường Châu Âu trong suốt thời kỳ giãn cách. Công ty có trụ sở ở Lithuanian, hiện có giá trị hơn 1 tỉ USD, nói rằng sự bùng nổ có thể do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, trong đó người tiêu dùng lên Internet để bán bớt đồ không cần thiết, do họ không thể bán chúng ở các cửa hàng truyền thống. Vinted thông báo thêm: "Đại dịch đã làm dịch chuyển nhiều ưu tiên của người dùng và thúc đẩy phong trào tiêu dùng một cách tỉnh táo."
Sự chuyển dịch tư duy tiêu dùng này là lý do chuỗi siêu thị nổi tiếng Asda thông báo gần đây rằng họ đang thử bán quần áo cũ tại 50 siêu thị. Các thương hiệu lớn khác như John Lewis và Ikea cũng có kế hoạch bán quần áo cũ và đồ gia dụng đã được sử dụng.
Có những yếu tố hào nhoáng trong làn sóng mới này. Nhiều người nổi tiếng ở Anh, từ Kim Kardashian tới Livia Firth, đã mặc các món đồ cũ lên một số sự kiện thảm đỏ. Bên cạnh đó, không ít người cho rằng mua quần áo cũ là "nghệ thuật mua sắm một cách tỉnh táo". Họ chỉ ra rằng để trông đẹp đẽ, người ta không cần phải mua thứ gì đó mới tinh.
Tại Mỹ, một nghiên cứu dành riêng cho trang buôn bán quần áo cũ ThredUp, cho thấy trong năm 2019, 70% phụ nữ sẵn sàng mua quần áo cũ. Trước đó 4 năm, con số này chỉ là 45%. Công ty thực hiện nghiên cứu cũng đánh giá thị trường quần áo cũ tại Mỹ sẽ mở rộng quy mô lên gấp 3 lần trong vòng 10 năm, từ mức 28 tỉ USD của năm 2019 lên 80 tỉ USD trong năm 2029.
Tại Trung Quốc, trang tin Bloomberg cho biết trong nửa đầu năm 2021, khoảng 202 triệu người đã mua và bán nhiều món đồ cũ trên các nền tảng trực tuyến ở nước này. Con số đã tăng lên so với mức 183 triệu người hồi năm 2020.
Điều thú vị là người Trung Quốc từ lâu đã có mối quan hệ khá phức tạp với đồ cũ. Quần áo cũ từng bị xem là vận rủi, đặc biệt nếu những món đồ này từng thuộc về người nay đã khuất. Ngoài ra, dù nền kinh tế mở cửa cho phép người dùng Trung Quốc mua được các món đồ đã "dùng lướt" từ nước ngoài, đồ cũ vẫn bị xem nhẹ, nhất là khi đất nước này ngày càng giàu có.
Tuy nhiên các công ty Trung Quốc đã sớm nhận ra tiềm năng của thị trường đồ cũ. Hồi năm 2012, tập đoàn Alibaba đã khai trương một chợ đồ cũ trực tuyến mang tên “Idle Fish.” Trang JD.com thì mua lại chợ trực tuyến Paipai.com và biến nó thành chợ bán đồ cũ. Năm 2017, Tencent Holdings đã đầu tư 200 triệu USD vào nền tảng bán đồ cũ ZhuanZhuan.
Đầu tiên các nền tảng này đều tăng trưởng chậm. Nhưng dần dần chúng bắt đầu được ưa chuộng, bởi sau 30 năm tiêu dùng với tốc độ cao, nhiều gia đình ở Trung Quốc đã mua quá nhiều thứ hơn so với nhu cầu của họ. Đặc biệt là quần áo! Một nghiên cứu ước tính rằng người tiêu dùng Trung Quốc đã vứt bỏ 26 triệu tấn quần áo mỗi năm. Phần lớn số "rác" này đều có thể bán lại được và thực tế Trung Quốc là nước cung cấp quần áo cũ nhiều nhất cho Châu Phi.
Ngoài ra, người tiêu dùng trẻ tuổi ở Trung Quốc không còn e ngại đồ cũ nữa. Họ cũng đón nhận các tư tưởng tiêu dùng có trách nhiệm, muốn ủng hộ các thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường và quần áo cũ cũng có mức giá dễ chịu hơn với họ.
Một cửa hàng bán xa xỉ phẩm cũ tại Mỹ. Nguồn: AFP
Giảm hình ảnh xấu xí của ngành thời trang
Quần áo cũ từ lâu đã bị xem là những sản phẩm cũ sờn, chủ yếu bán đi cho rộng nhà hoặc cho những người có nhu cầu mua đồ giá siêu rẻ. Tuy nhiên quan điểm này đang dần thay đổi, khi ngày càng nhiều người cho rằng đồ cũ có chất lượng ngang bằng, hoặc thậm chí là vượt trội so với đồ chưa được mặc. Một xu hướng mới, trong đó người ta mua đồ cũ, làm mới rồi bán lại, cũng xuất hiện và đang dần thịnh hành đặc biệt là trong cộng đồng những người trẻ tuổi.
Trong khi thời trang nhanh được dự báo tăng trưởng chỉ 20% trong 10 năm tới, thị trường đồ cũ sẽ tăng trưởng tới 185%. Quần áo cũ còn được ưa chuộng bởi chúng có giá vừa phải với túi tiền của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến không ít người chẳng còn nhiều tiền. Người tiêu dùng không chỉ giảm tiêu thụ các đồ không thiết yếu như quần áo, mà còn lựa chọn kỹ hơn, mua nhiều đồ chất lượng hơn, thay vì các mẫu quần áo mặc một hai lần rồi bỏ.
Giới quan sát cho rằng hoạt động kinh doanh quần áo cũ có thể giúp thay đổi các hình ảnh xấu xí của ngành thời trang, cụ thể là thời trang nhanh - một mô hình kinh doanh dựa trên các loại quần áo rẻ tiền và có thể vứt bỏ nếu người dùng không thích nữa, đã xuất hiện từ đầu những năm 2000 với những thương hiệu điển hình như H&M và Zara.
Các công ty thời trang nhanh tăng trưởng cực thịnh trong 2 thập kỷ sau khi khái niệm này ra đời, sản xuất ngày càng nhiều quần áo, phân phối càng lúc càng nhanh hơn và khiến người dùng mua càng lúc càng nhiều hơn, bằng hàng loạt chiến lược giảm giá kích cầu.
Thời trang nhanh để lại nhiều vấn đề về môi trường và xã hội, từ việc đối xử tệ với những lao động trong ngành, cho tới vấn nạn ô nhiễm và xả rác thải. Trên quy mô thế giới, trong vòng 15 qua, con số lần một món quần áo được mặc trước khi bị ném vào sọt rác đã giảm tới 36%. Đây được cho là hậu quả của ngành thời trang nhanh tạo ra.
Chưa đầy 1% vật liệu dùng để làm quần áo được tái chế để trở thành quần áo mới, gây thiệt hại mỗi năm khoảng 500 tỉ USD. Ngành thời trang cũng tạo ra lượng phát thải carbon lớn hơn cả ngành hàng không và hàng hải cộng lại. Khoảng 20% lượng nước bị ô nhiễm trên toàn cầu là do hậu quả của việc xả nước thải từ việc sản xuất vải.
Người tiêu dùng cũng nhận thức ngày càng rõ hơn về tác động sinh thái học của hoạt động sản xuất vải và đang yêu cầu ngành này tăng cường các cam kết phát triển bền vững. Mua đồ cũ, vì thế, mang tới cho họ cơ hội để chống lại ngành thời trang nhanh và giảm tác động có hại của ngành này.
Ví dụ như mua quần áo cũ làm tăng số lượng chủ sở hữu trên một món đồ, qua đó kéo dài vòng đời của nó và cũng làm ngắn lại ngành thời trang nhanh. Chưa hết, quần áo chất lượng cao được buôn bán trên thị trường đồ cũ vẫn duy trì giá trị theo thời gian, không giống như các sản phẩm thời trang nhanh rẻ tiền thường có xu hướng ngược lại. Vì thế, mua đồ cũ chất lượng cao thay vì mua đồ mới chất lượng thấp về lý thuyết là một chiến thắng giành cho môi trường.
Nhưng vẫn có ý kiến phê bình việc các thị trường quần áo cũ phình to thực tế đang khuyến khích tiêu thụ quá mức, thông qua việc giúp cho người dùng có cơ hội mua quần áo giá rẻ và siêu rẻ.
Các tìm hiểu mới nhất của trang The Conversation cũng ủng hộ hướng nhận định này. Phóng viên của trang đã phỏng vấn nhiều phụ nữ Mỹ trẻ tuổi, những người thường xuyên sử dụng Poshmark. Họ trả lời rằng đã xem quần áo cũ như một cách để mua được quần áo chất lượng với mức giá phù hợp, bởi nếu bán với giá gốc họ sẽ không bao giờ sờ vào được. Họ không xem quần áo cũ như một mô hình tiêu thụ thay thế giúp làm giảm sự lệ thuộc hoặc "nghiện" các sản phẩm quần áo mới.
Nhưng dù động cơ của người tiêu dùng là gì, việc tăng cường tái sử dụng quần áo vẫn được xem là một bước tiến mạnh mẽ vào "bình thường mới" của ngành thời trang. Và xu hướng này không bị các công ty lớn bỏ qua.
Sự tham gia của các "ông lớn"
Trong bài viết mới đây, Reuters cho biết nhiều công ty bán quần áo cũ với quy mô lớn đang rất tích cực thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cụ thể, Poshmark và ThredUp đều đang mua lại hàng loạt các công ty nhỏ, để ngăn chặn sự cạnh tranh trong tương lai từ những thương hiệu thời trang lớn với ví dày hơn như Levi Strauss và Urban Outfitters.
Đầu tháng 11, Poshmark vừa mua lại một công ty bán giày hàng hiệu cũ. Poshmark cũng đang tìm kiếm thêm nhiều mục tiêu khác để mua lại, bởi công ty hiện đang có khá nhiều tiền trong túi để đầu tư. “Cho tới nay, cả 4 quốc gia mà chúng tôi đã thâm nhập gồm Mỹ, Canada, Australia và Ấn Độ đều có sự tăng trưởng kinh doanh tự thân. Tuy nhiên vẫn còn cơ hội cho các tăng trưởng ngoại sinh (tới từ việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp)," Tổng giám đốc điều hành (CEO) Poshmark Manish Chandra chia sẻ với Reuters.
Trong khi đó đối thủ của họ là ThredUp đã mua trang bán đồ cũ Remix Global hồi tháng 7, để đi ra khỏi biên giới Mỹ và tiến vào Châu Âu. Công ty đã từ chối bình luận về các kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Động thái của hai công ty diễn ra sau khi Levi Strauss mở trang web bán quần áo cũ mang tên "Levi's Secondhand" từ năm ngoái để bán các món đồ hiệu cũ mua lại từ các khách hàng trung thành với họ. Urban Outfitters thì lựa chọn mua các nền tảng cho phép người mua bán tự giao dịch với nhau, còn công ty chỉ đứng giữa thu khoản phí giao dịch 20%.
Trước đó, tập đoàn thương mại Etsy cũng mua ứng dụng bán đồ thời trang cũ Depop của Anh với giá 1,6 tỉ USD. Julie Wainwright, CEO của The RealReal tuyên bố hồi đầu năm nay rằng công ty bán xa xỉ phẩm cũ này đang có kế hoạch mua lại các công ty bán đồ cũ tiềm năng.
Sự đứt gãy trong chuỗi cung cầu toàn cầu, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, khiến nhiều nhà bán lẻ quần áo không có hàng mới để kinh doanh. Theo công ty phân tích Adobe Analytics, hàng may mặc bán trực tuyến nằm trong nhóm hết hàng cao nhất tại lĩnh vực bán lẻ Mỹ, khi mùa nghỉ lễ đang tới gần. Điều này đã tạo thêm thuận lợi cho ngành bán đồ cũ. Chợ bán đồ cũ Tradesy đang kỳ vọng việc thiếu hụt hàng quần áo mới sẽ khiến doanh thu từ việc bán quần áo cũ tăng rất mạnh trong thời gian nghỉ lễ tới đây.
Nhiều công ty bán lẻ quần áo cũ cũng nhận được nhiều tiền đầu tư từ các thương hiệu lớn. Đơn cử như nền tảng bán hàng hiệu cũ Vestiaire Collective đã thu về 215 triệu USD tiền đầu tư hồi đầu năm nay, nhờ thoả thuận cấp vốn ký với một loạt doanh nghiệp lớn gồm tập đoàn chuyên bán xa xỉ phẩm Kering của Pháp.
“Tôi không hình dung được rằng hiện vẫn còn có thương hiệu hoặc công ty bán lẻ thời trang lớn nào vẫn chưa liên kết hoặc mua lại một nền tảng bán quần áo cũ”, Jon Copestake, nhà phân tích cao cấp tại tập đoàn EY's Global Consumer nhận xét.
Khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa thể kết thúc trong tương lai gần, có thể thấy rằng xu thế mua quần áo cũ sẽ vẫn chưa giảm xuống và cuộc cạnh tranh để thống trị thị trường quần áo cũ chắc chắn sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới.
Tin cùng mục Thời trang
Tin mới nhất