Vì sao nghệ sĩ cải lương Bạch Long mang ơn cố NSND Thanh Tòng, Minh Tơ?

Hậu trường Thứ 5, 13/01/2022 23:37:41 PM Theo Lao động

Bạch Long là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Tuy nhiên, ở tuổi U70, ông có cuộc sống cô đơn, ở thuê. Mới đây, nam nghệ sĩ có dịp trò chuyện với khán giả về hai cố NSND Thanh Tòng, Minh Tơ.

Bạch Long - anh trai NSƯT Thành Lộc - người nghệ sĩ U70 luôn tràn trề năng lượng tích cực và niềm đam mê với nghệ thuật. Ông đang sống trong căn nhà thuê ở TPHCM.

Được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, với cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai và các chị em là Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu và NSƯT Thành Lộc; nhưng Bạch Long không sống một nhà vì khó nuôi và được cha mẹ gửi đi từ bé.

Sau đó, Bạch Long được ba “đặc cách” cho đi hát từ nhỏ. Nam nghệ sĩ đắm chìm vào ký ức về những vai diễn thơ bé. Ông "khoe" những kỷ vật đã gắn bó hơn 50 năm từ ngày đầu đặt chân lên sân khấu, từ "ngựa", giáo đến chiếc yếm nhỏ.

Giàu năng lượng là thế nhưng thực tại cuộc sống đơn chiếc của Bạch Long khá ảm đạm, dù từng rất nổi tiếng và thu nhập tốt.

Mới đây, tại "Khoảnh khắc rực rỡ", Bạch Long có dịp trò chuyện với khán giả. Ông cho biết mình đi hát từ năm 10 tuổi, cố nghệ sĩ Minh Tơ (cha của cố NSND Thanh Tòng) chính là người thầy đầu tiên của nam nghệ sĩ.

Năm 1982, Bạch Long nhận vai Thánh Gióng trong vở "Phù Đổng Thiên Vương", và đây cũng chính là vai diễn đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Tiếp đó, Bạch Long còn thành công với các vai diễn võ tướng như Trần Quốc Toản, Phạm Cư Chích, Quách Thái Thọ…

"Cả nước bắt đầu biết tới nghệ sĩ Bạch Long là năm 1992 khi vào vai Tôn Ngộ Không. Giống như bên Trung Quốc thì có Lục Tiểu Linh Đồng, còn ở Việt Nam thì có Bạch Long vậy đó…" – Nam nghệ sĩ bộc bạch.

Nghệ sĩ Bạch Long trải lòng về nghề diễn. Ảnh: CTCC.

Nghệ sĩ Bạch Long trải lòng về nghề diễn. Ảnh: CTCC.

Nghệ sĩ Bạch Long trải lòng về nghề diễn. Ảnh: CTCC.

Nghệ sĩ Bạch Long còn trải lòng về việc sân khấu cải lương bắt đầu thoái trào, và từ năm 1986, ông đã có cơ may tham gia sân khấu kịch nói. Đến năm 2000, nam nghệ sĩ tiếp tục để lại dấu ấn với các vai diễn như: Chú chó Lulu, Vua bọ cạp trong "Ngày xửa ngày xưa".

Năm 2016, Bạch Long vào vai Thần Chết trong vở "Giấc mơ" của đạo diễn Thái Kim Tùng, nam nghệ sĩ áp dụng nét mặt trong tuồng cổ vào vai này và đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. 

Nói về việc trở nên thành danh như hiện tại, Bạch Long nói: "Tôi mang ơn cố nghệ sĩ Minh Tơ và cố NSND Thanh Tòng. Hai 'ông thầy' này đã truyền lại rất nhiều vốn quý để bây giờ tôi có thể dạy lại cho các bạn nhỏ bây giờ…".

Dù đã cống hiện trọn vẹn cho đam mê, nhưng khi nhìn lại, Bạch Long từng nói, ông có một nỗi tiếc nuối cho thanh xuân của mình chính là: “Hồi đó tôi làm ra tiền nhiều, nếu có một bóng hồng yêu tôi, giữ tiền thì chắc chắn tôi không khổ...”.

Ý kiến bạn đọc