Phim "Black Mirror" kể chuyện tình dục thời thực tế ảo

Video Chủ nhật, 09/06/2019 00:12:56 AM Theo Vnexpress - Clip: Netflix

Tập phim gây chú ý nhất trong mùa năm series đặt câu hỏi về ranh giới thật - ảo ở mối quan hệ trong không gian giả lập.

Black Mirror là series gây chú ý vài năm qua, đưa ra các dự đoán về thay đổi xã hội khi công nghệ phát triển. Loạt phim mang phong cách châm biếm, đôi khi u ám và thường gây bất ngờ về tình tiết. Mùa năm ra mắt từ ngày 5/6 trên Netflix, gồm ba tập có nội dung riêng biệt. Trong đó, tập đầu Striking Vipers gây chú ý nhất và cũng được khen nhất trên Rotten Tomatoes (75% nhận xét tích cực).

Trong phim, chàng trai Danny (Anthony Mackie đóng) có hôn nhân hạnh phúc nhiều năm với Theo (Nicole Beharie). Một ngày nọ, anh gặp Karl (Yahya Abdul-Mateen II) - anh bạn cũ nhiều năm xa cách. Karl mời Danny chơi Striking Vipers- một trò đấu võ trực tuyến. Với công nghệ thực tế ảo, tâm trí người chơi có thể tiến vào không gian giả lập, cử động cơ thể và cảm nhận giống nhân vật trong game.

Danny điều khiển võ sĩ (Ludi Lin đóng), còn nhân vật của Karl là cô gái quyến rũ (Pom Klementieff). Giữa trận chiến, họ bất ngờ rung động và làm tình với nhau. Dù chuyện ân ái là ảo, hai chàng trai cảm nhận được khoái cảm thông qua hệ thống kết nối tâm trí họ. Dần dần, Danny và Karl bị nghiện cảm giác đắm say trong trò chơi. Những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong gia đình và các mối quan hệ đời thật của họ.

Striking Vipers đặt ra các câu hỏi về sự sống, tình dục cũng như bản chất hạnh phúc. Nếu công nghệ ảo có thể kích thích các hormone và xung thần kinh của con người như thật, liệu niềm vui nó tạo ra có phải thật? Liệu Danny và Karl có ngoại tình nếu họ chỉ ân ái trong game và không chạm vào nhau bên ngoài?

Ludi Din (trái) và Pom Klementieff (nổi tiếng với vai Mantis trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel) đóng nhiều cảnh nóng suốt tập phim. Ảnh: Netflix.

Ludi Din (trái) và Pom Klementieff (nổi tiếng với vai Mantis trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel) đóng nhiều cảnh "nóng" suốt tập phim. Ảnh: Netflix.

Cả hai chàng trai là người da đen nhưng đóng nhân vật châu Á trong game. Với Karl, lằn ranh giới tính còn bị xóa mờ khi anh hóa nhân vật nữ, quan hệ tình dục như nữ giới nhưng ngoài đời vẫn giữ sự nam tính. Mối quan hệ giữa anh và Danny có phải là đồng tính khi hai người chơi là nam? Hay nó là dị tính do trong trò chơi họ đóng giả đôi nam nữ? Nếu những công nghệ thực tế ảo tạo được cảm xúc như thật, làm sao ta biết thế giới mình đang sống là thật chứ không phải một thực tế ảo?

Tập phim hầu như chỉ nêu các câu hỏi chứ không trả lời. Cũng như nhiều tập của Black Mirror, kết phim là tình tiết bất ngờ, đưa ra một giải pháp mang đến sự cân bằng mới trong cuộc sống các nhân vật. Về mặt dàn dựng, tập này gây ấn tượng với các thiết kế bối cảnh và trang phục trong trò chơi. 

Tập hai của series - Smithereens - khiến khán giả đồng cảm khi kể chuyện mạng xã hội tác động đến đời thật, khiến nhiều người gắn chặt với nó. Trong phim, do bi kịch quá khứ, Chris (Andrew Scott đóng) có âm mưu nhắm đến ông chủ công ty mạng xã hội Smithereens.

Miley Cyrus trong Black Mirror. Ảnh: Netflix.

Miley Cyrus trong "Black Mirror". Ảnh: Netflix.

Tập này mang phong cách phim hình sự pha ly kỳ, có nhiều tình huống kịch tính. Câu chuyện cũng có tình tiết gây suy ngẫm khi chính ông chủ công ty mạng xã hội muốn thoát khỏi nó trong một thời gian để thanh tẩy tâm hồn. Ông cũng không muốn nó khiến người dùng đam mê quá mức nhưng bất lực do công ty phát triển quá mức. Một cảnh khác thể hiện sức mạnh của mạng xã hội khi nhóm nhân viên của công ty Smithereens tìm hiểu về Chris nhanh hơn cả cảnh sát. Bằng cách xâu chuỗi các hoạt động trên mạng của anh, họ dựng nên chân dung Chris tường tận hơn lực lượng an ninh với lối điều tra truyền thống.

Tài tử Andrew Scott tỏa sáng về diễn xuất, dù nhân vật của anh được xây dựng chưa nhất quan: có lúc giỏi công nghệ nhưng có lúc lại mù mờ. Kịch bản cũng chưa hợp lý ở chuyện cảnh sát để mặc các thường dân tụ tập ở hiện trường có nghi phạm mang súng. Thậm chí, những người chứng kiến còn thoải mái đăng tin lên mạng xã hội. Tập này nhận 65% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.

Tập cuối mùa năm - Rachel, Jack and Ashley Too - gây chú ý vì có Miley Cyrus đóng chính. Cô thủ vai Ashley - nữ ca sĩ thần tượng, có tâm trí được sao chép vào các robot đồ chơi để bán cho người hâm mộ. Cùng lúc, Ashley đối mặt với lịch làm việc khắc nghiệt, sự giám sát nghiêm ngặt của người thân và công ty âm nhạc. Tập này gây thú vị ở giả thuyết về việc tâm trí con người có thể được chuyển và lưu trữ vào thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, kịch bản có phần thiếu kịch tính và lối cắt dựng khiến phim dài dòng. Chỉ 41% giới phê bình khen phim trên Rotten Tomatoes.