Nỗi đau… Eximbank

Chuyện 24h Thứ 6, 29/03/2019 11:35:48 AM K.T

Những ngày gần đây, thị trường ngập tràn thông tin liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao nhất ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Và câu chuyện ấy chắc chắn chưa thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều vì có quá nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Hãy tạm bỏ qua những chuyện thay đổi nhân sự cấp cao ở nhà băng này thời gian trước, ví nhưtừng bãi nhiệm tới 8 Phó tổng giám đốc để tinh gọn bộ máy trong quá trình thực hiện dự án “New Eximbank”, ở đây chỉ bàn đến chuyện gần nhất là xoay quanh chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị.

Khởi nguồn, ngày 22/3/2019, Eximbank công bố thông tin thay chủ tịch Hội đồng quản trị với việc bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào chiếc ghế nóng thay cho ông Lê Minh Quốc. Thế nhưng sau đó, ông Lê Minh Quốc lại gặp gỡ một số báo chí để “kêu”, rằng ông bị bãi nhiệm sai nguyên tắc, và rằng ông vẫn là chủ tịch của nhà băng này theo pháp luật.

Ông Quốc còn đâm đơn kiện lên tòa án, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, Tòa án đã công bố ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.

Ảnh minh họa


Ai đúng, ai sai?

Câu trả lời chắc chắn chưa thể đưa ra ngay lập tức, bởi ai đúng, ai sai sẽ do cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét và quyết định. Thế nhưng, những câu chuyện đằng sau nếu được nhìn nhận hai chiều thì mỗi người cũng có thể đưa ra được câu trả lời cho riêng mình.

Đầu tiên là phía ngân hàng Eximbank. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi đi đến Nghị quyết 112, Hội đồng quản trị Eximbank đã có 3 lần triệu tập cuộc họp. Lần thứ nhất là vào ngày 21/2 chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Lê Minh Quốc đã gửi thông báo mời họp HĐQT dự kiến chiều ngày 26/2. Nhưng ngày 25/2, trước 1 ngày cuộc họp dự kiến diễn ra, chủ tịch Eximbank lại thông báo không tham dự cuộc họp vì có việc đột xuất, hai thành viên nữa trong nhóm 10 thành viên của HĐQT Eximbank là ông Ngô Thanh Tùng và ông Nguyễn Quang Thông cũng vắng mặt. Do vậy cuộc họp này đã không thể diễn ra do không đủ túc số cần thiết theo quy định của điều lệ Eximbank.

Đến ngày 5/3, ông Lê Minh Quốc tiếp tục có thư triệu tập họp vào ngày 8/3 nhưng đến ngày 8/3 ông chủ tịch Eximbank lại có đơn xin hủy họp.

Ngày 12/3, Ủy ban quản lý rủi ro của Eximbank họp khẩn cấp về công tác quản lý sử dụng con dấu có liên quan ông Quốc và khuyến nghị một cuộc họp Hội đồng quản trị, song ông chủ tịch Eximbank đã không họp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ Eximbank.

Sau 3 lần như vậy, các thành viên của Hội đồng quản trị ngày 15/3 đã đề nghị triệu tập một cuộc họp chính thức vào ngày 22/3. Theo quy định, sau cuộc họp lần 1 dự kiến ngày 26/2 bất thành, cuộc họp ngày 22/3 sẽ được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên HĐQT tham dự họp, và cuộc họp đã diễn ra với 7 thành viên dự họp, để rồi đi đến Nghị quyết số 112.

Như vậy, việc Hội đồng quản trị Eximbank họp và đưa ra Nghị quyết về nhân sự HĐQT là không sai theo quy định.

Về phía ông Lê Minh Quốc, sau khi HĐQT Eximbank có nghị quyết về việc thay đổi vị trí chủ tịch, ông đã gặp gỡ một số báo chí để phản ánh, rằng ông đang bị đối xử không công bằng, rằng HĐQT Eximbank đã có cuộc họp bất hợp pháp để thay thế vai trò của ông?!

Ông cũng cho rằng nhóm cổ đông Nhật - Sumitomo Mitsui Banking Corporation SMBC, cổ đông lớn nhất đang sở hữu 15% vốn Eximbank - có trách nhiệm lớn trong vấn đề gây rối loạn ở Eximbank giai đoạn vừa qua. Cụ thể theo ông Quốc, vài tháng trước, SMBC đề xuất thuê tư vấn để hỗ trợ quy trình đánh giá năng lực của thành viên HĐQT Eximbank. Họ nói rằng, việc này sẽ giúp đỡ cho Chủ tịch HĐQT trong quá trình đánh giá hoạt động của các thành viên HĐQT theo luật định. Ý tưởng này tốt nên được HĐQT ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, SMBC lại đề xuất thành lập một Ủy ban độc lập để giám sát quá trình triển khai dự án cũng như kết quả khuyến nghị của các đơn vị tư vấn. Và cũng theo ông Lê Minh Quốc, thành phần của Ủy ban độc lập lại chủ yếu là người của SMBC và của một nhóm cổ đông, không đại diện cho đa số cổ đông dẫn đến kết quả đánh giá thiên vị cho một nhóm cổ đông và gây bức xúc cho nhiều cổ đông khác về mục đích triển khai dự án cũng như tính minh bạch, khách quan của các khuyến nghị.

Chưa hết, ông Lê Minh Quốc còn đâm đơn kiện lên Tòa án kinh tế để yêu cầu can thiệp vào hoạt động của Eximbank và ngày 27/3 Tòa đã ra phán quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Điều 127 Luật Tố tụng Dân sự. Trong quyết định này, các đồng bị đơn là 7 thành viên HĐQT của Eximbank trong đó có 2 thành viên đại diện vốn của SMBC.

Ở đây có 2 vấn đề cần xem xét đến vai trò của ông Lê Minh Quốc khi kiện HĐQT của Eximbank lên tòa án.

Thứ nhất, trong Hội đồng quản trị của Eximbank, ông Lê Minh Quốc được bầu vào vị trí thành viên HĐQT độc lập chứ không phải cổ đông lớn hay đại diện cho nhóm cổ đông nào trong Hội đồng quản trị. Thế nhưng trong đơn kiện lên Tòa án, ông Quốc lại là đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 15% vốn! Như vậy có sự chưa rõ ràng rằng trong vai trò của ông Quốc khi vào Eximbank.

Thứ hai, ở Eximbank ông Quốc không hề sở hữu cổ phần cổ phiếu EIB nào, do đó theo quy định, một người không phải cổ đông lại đi kiện các cổ đông lớn của ngân hàng có là phù hợp? Nếu phù hợp thì bất cứ ai cũng có thể kiện và yêu cầu can thiệp vào hoạt động của ngân hàng?

Ngoài ra, một vấn đề nữa là, theo thông cáo báo chí của Eximbank sau khi có thông tin Tòa án áp dụng biện pháp đình chỉ quyết định 112 của Eximbank, là ngân hàng “sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm: quyền khiếu nại, kiến nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án ngay khi Ngân hàng nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu; đồng thời, yêu cầu các cá nhân có liên quan bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” – có nghĩa là trước khi bị Tòa ra quyết định thì Eximbank chưa nhận được bất kỳ thông tin gì liên quan đến việc kiện tụng. Như vậy, ở đây đặt ra câu hỏi, phải chăng Tòa án đã quá vội vàng trong việc ra quyết định khi bị đơn còn không biết rằng mình bị kiện? Và phải chăng bất cứ ai cũng có thể gửi đơn kiện HĐQT của không chỉ ngân hàng này mà các doanh nghiệp khác nữa và chỉ cần có người kiện là Tòa sẽ ra quyết định ngăn chặn hoạt động?

Những thiệt hại của Eximbank ai sẽ đền bù?

Như đã đề cập, ai đúng ai sai phải chờ phán quyết cuối cùng của cơ quan quản lý, ở đây ngân hàng Eximbank là tổ chức tín dụng cần phải theo Luật Tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan.

Thế nhưng, ai cũng biết hoạt động ngân hàng không giống như bất kỳ doanh nghiệp nào bởi đó là hoạt động đặc thù về lĩnh vực tài chính, có thể ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.

Hơn nữa, Eximbank là một ngân hàng lớn trên thị trường, có cổ đông không chỉ trong nước mà còn nước ngoài, đặc biệt là đối tác Nhật đang sở hữu 15% vốn. Sự việc xảy ra ở ngân hàng chắc chắn không chỉ ảnh hưởng nội bộ Hội đồng quản trị, tới hơn 6.000 người lao động, hàng chục nghìn cổ đôngmà còn ảnh hưởng đến cả quan hệ đầu tư ở cấp quốc gia.

Tiếp đến, Eximbank là ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán, những ảnh hưởng đến ngân hàng chắc chắn phản ánh trực tiếp lên giá cổ phiếu. Như ngày hôm qua 28/3, giá cổ phiếu EIB sụt giảm, làm “bốc hơi” vốn hóa thị trường khoảng 600 tỷ đồng. Nếu sự việc cứ tiếp diễn, ai dám chắc rằng các phiên tiếp theo cổ phiếu không sụt giảm nữa?

Chưa hết, Eximbank là thương hiệu ngân hàng có lịch sử 30 năm hoạt động, đã gây dựng thương hiệu suốt gần 1/3 thập kỷ, có hàng triệu khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nên những sự việc gần đây trong nội bộ Hội đồng quản trị chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng.

Bởi vậy, những thiệt hại của ngân hàng sẽ không chỉ dừng ở vài trăm tỷ hay một vài sự ảnh hưởng có thể kiểm soát, mà là những con số vô cùng lớn, là những điều không thể đo đếm được.

Đến đây lại đặt ra câu hỏi, với những ảnh hưởng đóCơ quan quản lý nào tính toán được thiệt hại để quy trách nhiệm đền bù? Và liệu tính toán ra thì có đền bù nổi?

Trở lại với Eximbank trong vai trò là một tổ chức tín dụng, ngân hàng này sẽ hoạt động trước tiên là theo Luật tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ quản trực tiếp. Những biến động ở Eximbank chắc chắn phải có sự quản lý, chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, chứ chưa phải là Tòa án. Do vậy, thiết nghĩ trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước cần lên tiếng trong vai trò quản lý để tạm thời “dẹp” những biến động lùm xùm ở Eximbank để làm yên lòng cổ đông, nhà đầu tư, đặc biệt là đối tác Nhật, và sau đó giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Tags: Eximbank
Ý kiến bạn đọc